Ban công và những ý tưởng thiết kế đặc sắc

Ban công có thể là nơi chúng ta đứng ngắm bình minh, dùng một tách trà khi hoàng hôn buông xuống, một khu vườn nho nhỏ có thể ngồi đọc sách... cùng với CJK Concept điểm qua những cách thiết kế ban công sau đây nhé!

Ban công là gì?

Ban công là một khối kiến trúc nối liền với tòa nhà, một không gian theo chiều ngang được nhô ra và nối liền với một bức tường trước cánh cửa và có thiết kế lan can an toàn. Ban công thường được xây dựng từ tầng hai trở lên. Nó là phần nhô ra của ngôi nhà, có lan can an toàn và có cửa thông vào phòng.

Nguyên tắc khi thiết kế ban công

Để có được ban công đẹp cho ngôi nhà, ngoài tính thẩm mỹ ra chúng ta cần phải quan tâm đến nhiều yếu tố khác như hướng ban công, sự an toàn, bố cục, phong cách và cách mà chúng ta định hướng công năng sử dụng cho ban công đó như thế nào. Sau đây là những nguyên tắc cơ bản khi thiết kế ban công.

Lên bản vẽ chi tiết

Trước khi bắt tay thực hiện một ban công đẹp, việc đầu tiên chúng ta cần làm là xem xét về nhu cầu, sở thích của gia chủ, đưa ra ý tưởng và lên bản vẽ chi tiết. Giai đoạn này giúp bạn xác định được bố cục, công năng, phong cách và dáng dấp của ban công sẽ như thế nào. Chính vì vậy chúng ta cần phải hết sức chú trọng đến nguyên tắc này.

Phong cách và màu sắc

Phong cách và màu sắc của ban công sẽ phụ thuộc vào tổng thể của toàn bộ ngôi nhà để tạo sự thống nhất, hài hòa trong cùng một công trình. Đôi khi bạn cũng có thể làm cho ban công trở nên khác biệt bằng cách chọn gam màu tươi sáng hoặc tương phản để ban công trở nên sinh động và ấn tượng hơn. Tuy nhiên cần phải cân nhắc để không bị lòe loẹt và mất đi sự thống nhất của ngôi nhà thì chúng ta cần phải cân đối màu sắc, tránh sử dụng nhiều màu dễ gây rối mắt.

Chọn lựa nội thất phù hợp

Độ rộng ban công có thể là 1m2, 2m2, 3m2, 4m2… nhưng không phải là bao nhiêu cũng được, nó phụ thuộc vào loại hình công trình, kiến trúc cảnh quan không gian, nhu cầu sử dụng và mức độ an toàn. Bạn nên chọn nội thất có chiều cao vừa phải, không nên vượt quá 2/3 chiều cao của thành lan can để đảm bảo sự an toàn khi sử dụng, cũng như nên hạn chế những thiết kế quá cồng kềnh, nặng nề và chiếm nhiều diện tích. Lựa chọn và thiết kế nội thất phù hợp sẽ giúp cho tổng thể ban công trở nên đẹp mắt và đáp ứng được công năng mà bạn mong muốn.

Tính an toàn

Ban công vốn không có khả năng chịu lực cao nên bạn cần phải hết sức lưu ý khi thiết kế. Tùy vào quy định xây dựng ban công cho từng mẫu nhà khác nhau mà xác định chiều dài, cao và rộng sao cho phù hợp. Để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người, lan can an toàn trong xây dựng tối thiểu nên để từ 1,1 mét trở lên. Đồng thời khoảng cách các thanh dọc của lan can phải có khoảng cách không quá 100mm. Đối với những công trình 2 tầng thì chiều cao của lan can ban công có thể linh động trong khoảng 900mm. Dù là kiểu thiết kế nào đi chăng nữa thì lan can phải có độ an toàn nhất định để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra nhất là những gia đình có trẻ nhỏ.

Lưu ý vấn đề phong thủy

Hướng thiết kế xây ban công đẹp là hướng Đông “Tử khí đông lai” sẽ mang lại vượng khí, bình an, may mắn cho gia đình, đây là hướng mặt trời mọc sẽ giúp cho con người có được sức khỏe tốt và tinh thần phấn chấn. Hướng Nam “Huân phong nam lai” mang đến không gian mát lành. Nên tránh ban công hướng Bắc hay hướng Tây. Bởi khí hậu không tốt do có nhiều nắng hoặc gió lạnh ảnh hưởng sức khỏe, sinh khí. Đồng thời, tránh cửa ban công và cửa ra vào nhà đối thẳng nhau và cũng tránh chiếu thẳng với gian cửa bếp.

Ban công cần có tầm nhìn tốt, tránh bị che chắn tầm nhìn. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ, độ thông thoáng của không gian mà còn cản trở vận khí.

Luôn thận trọng với thoát nước ban công, thoát nước không tốt không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt, chất lượng nhà ở mà còn gây ra úng thủy, bẩn làm mất đi vượng khí của ngôi nhà.

Trang trí ban công nên lựa chọn những cây có sức sống tốt. Bởi ban công có thể bị chiếu nhiều nắng hoặc ở hướng ít ánh nắng. Nên nếu chọn cây trồng có sức sống tốt sẽ giúp không gian luôn có được sức sống, tăng vượng khí về mặt phong thủy. Nên tránh những cây quá rậm rạp mà che mất ban công.

Thiết kế ban công theo loại hình nhà ở

Khi thiết kế ban công bạn cần phải xem xét đến quy mô, loại hình căn nhà. Ban công dành cho chung cư, nhà phố hay biệt thự đều có những quy định riêng, tùy vào từng trường hợp để chọn cách thiết kế sao cho thích hợp.

Ban công chung cư

 

Ban công chung cư được thiết kế theo quy chuẩn chung, do đó người mua nhà hoặc người ở sẽ không thể thay đổi được kết cấu hình dạng, độ rộng, kiểu dáng lan can mà chỉ có thể chỉnh sửa và tu bổ thêm và thường là thiên về việc thiết kế trang trí ban công nhỏ.

Nên lưu ý về vấn đề an toàn và chủ động phòng tránh rủi ro bằng cách kiểm tra chiều cao an toàn của lan can đảm với gia đình bạn chưa hoặc cân nhắc lắp thêm các loại lưới, khung chắn lan can đảm bảo vẫn lấy được ánh sáng và gió khi sử dụng. Đồng thời, có thể quan tâm tới việc cải tạo ban công chung cư thành khu vườn nhỏ giúp tăng tính thẩm mỹ nhé.

Ban công nhà phố

Nhà phố thường có mặt tiền nhỏ vì vậy đối với loại ban công này ngoài việc thuận theo phong cách nhà ở, thường là hiện đại thì tất nhiên không thể chọn hướng. Sự khác biệt là việc lựa chọn kiểu mẫu, ban công rộng bao nhiêu, ban công bằng sắt, inox, kính hay gỗ.

Nhà phố với thiết kế chỉ có một cửa chính và mặt tiền nhỏ, hướng quay ra đường nên tùy theo vào bề rộng đường bao nhiêu có thể tính toán đưa ban công ra theo đúng quy định. Mặt khác để tiết kiệm diện tích sinh hoạt thì ban công nhà phố nên chọn các kiểu thiết kế ban công nhỏ là phù hợp.

Bạn có thể biến ban công phòng ngủ, ban công sân thượng đẹp, không chỉ là nơi lấy nắng gió, hóng mát nghỉ mơi mà còn có thể tận dụng làm nhiều việc khác như: thiết kế vườn rau sạch trên ban công, trồng cây cảnh, trồng hoa hay có thể sử dụng làm sân phơi tiện lợi mà vẫn đảm bảo thẩm mỹ.

Ban công biệt thự

So với nhà ống và chung cư thì ban công biệt thự sẽ có phần rộng và thoáng hơn. Chính vì vậy bạn sẽ có được nhiều không gian hơn để trang trí cho không gian nơi này.

Thiết kế ban công theo phong cách

Xem xét đến từng phong cách riêng để có thể thiết kế ban công phù hợp. CJK Concept sẽ đề xuất một số phong cách thiết kế ban công đẹp thường được ứng dụng, chúng ta cùng tham khảo nhé!

Thiết kế ban công theo phong cách hiện đại

Ban công thiết kế theo phong cách hiện đại thường hợp với những căn hộ chung cư, nhà phố nhỏ. Với phong cách này nên ưu tiên những chất liệu như sắt, inox kết hợp kính để tăng thêm vẻ đẹp công trình. Ban công thiết kế hiện đại có hình dáng khá vuông vức, khỏe khoắn, các chi tiết trang trí cũng có sự tinh giản, chú trọng về công năng hơn.

Thiết kế ban công phong cách cổ điển, tân cổ điển

 

Ban công thuộc kiểu cổ điển, tân cổ điển sẽ được thiết kế cầu kỳ, ấn tượng hơn. Thay vì kiểu hình chữ nhật vuông vức như hiện đại thì ban công cổ điển, tân cổ điển sẽ có thêm mẫu ban công kiểu vòng cung sang trọng. Chất liệu thường được dùng cho lan can ban công này là sắt uốn mỹ thuật, nhôm đúc hoặc con tiện bằng xi măng. Những đường nét hoa văn trên lan can được thiết kế tỉ mỉ, trau chuốt sẽ góp phần làm tăng thêm vẻ cuốn hút, sang trọng cho căn nhà.

Thiết kế ban công theo phong cách Bohemian

 

Ban công được thiết kế theo phong cách Bohemain thường mang một vẻ đẹp thơ mộng và lãng mạn đặc biệt là vào buổi chiều hoàng hôn cho đến khi trời tối hẳn. Nội thất chủ yếu là các vật dụng tự đan bằng mây, tre và vải đem lại cảm giác thư giãn cho người dùng. Để tăng thêm vẻ đẹp lung linh mỗi khi đêm về bạn có thể trang trí thêm những bóng đèn dây nơi ban công.

Thiết kế ban công theo phong cách công nghiệp

Phong cách công nghiệp rất thích hợp đối với chung cư hoặc nhà phố diện tích nhỏ. Với những ai có cá tính mạnh mẽ thì có thể thiết kế ban công theo phong cách công nghiệp, không quá cầu kỳ nhưng vẫn đủ sức thu hút và lan tỏa sự độc đáo theo cách riêng của mỗi người.

Lựa chọn công năng cho ban công

Thiết kế ban công thành khu vực tiếp khách

Hẳn những vị khách của bạn sẽ rất ấn tượng khi được mời đến một không gian tại gia nhưng đầy tính nghệ thuật ngoài trời như thế này.

Thiết kế ban công thành quầy bar nhỏ

 

Một buổi chiều mát mẻ, nhìn ngắm bầu trời hoàng hôn bên ly cocktail hẳn là một trải nghiệm thú vị.

Thiết kế ban công thành khu vực giặt phơi

Thông thường các căn hộ chung cư không có nhiều không gian nên gia chủ thường sẽ tận dụng khu vực ban công để thiết kế thành khu vực giặt phơi đầy tiện lợi. Ý tưởng thiết kế ban công đẹp này sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều diện tích cho căn hộ, vừa cất đặt được máy giặt cũng như nhiều vật dụng khác một cách gọn gàng, ngăn nắp.

Thiết kế ban công thành vườn rau sạch

Trồng rau tại nhà cũng là cách đảm bảo được nguồn rau sạch cho bản thân hay gia đình bạn. Tuy nhiên nhà tại thành thị không có nhiều diện tích đất trống để có thể thoải mái trồng những loại rau yêu thích. Vậy hãy thử tận dụng ban công để trồng rau vừa giúp không gian sống thêm xanh mát vừa có được nguồn thực phẩm tươi mới nhé!

Thiết kế ban công thành nơi thơ mộng đọc sách

 

Ở những vị trí ban công không có nhiều nắng bạn có thể bố trí thêm một chiếc xích đu, đây chắc chắn sẽ là góc thư giãn tuyệt vời dành cho bạn sau một ngày làm việc.

Thiết kế ban công thành nơi party

Chỉ cần bố trí một chiếc ghế và một chiếc bàn nhỏ, thêm một ít ánh sáng cho không gian thêm lung linh vào ban đêm là bạn đã có thể thoải mái mở tiệc cùng gia đình, người thân và bạn bè rồi.

Thiết kế ban công thành sân tắm nắng

Hãy để cho làn da bạn được tận hưởng Vitamin D từ nắng sớm ngay tại ban công của chính căn nhà bạn nhé, hẳn là một khoảng thời gian thư giãn thú vị và có lợi cho sức khỏe.

 Với những ý tưởng thiết kế ban công sau đây. CJK Concept hi vọng có thể giúp bạn hoàn thiện ban công của riêng mình.