Vì sao vật liệu gỗ MDF ngày càng trở nên thông dụng trong thiết kế nội thất?

Nội thất sản xuất từ gỗ MDF ngày càng được sử dụng rộng rãi và trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Vậy gỗ MDF là gì? Tại sao gỗ MDF được ưa chuộng như vậy?

Gỗ MDF là gì?

Thuật ngữ MDF là viết tắt của chữ Medium density fiberboard, có nghĩa là ván sợi mật độ trung bình. Nhưng trong thực tế, MDF là tên gọi chung cho cả ba loại sản phẩm ván ép bột sợi có tỷ trọng trung bình (medium density) và độ nén chặt cao (hardboard). Để phân biệt ba loại này, người ta dựa vào thông số cơ vật lý, các thông số về độ dày và cách xử lý bề mặt của tấm ván.

Xét về cấu tạo thì ván gỗ MDF có các thành phần cơ bản đó là: bột sợi gỗ, chất kết dính, parafin wax, chất bảo vệ gỗ (chất chống mối mọt, chống mốc), bột độn vô cơ.

Thành phần cấu tạo của gỗ MDF

Cấu tạo gỗ MDF gồm:

  • 75% gỗ tự nhiên
  • 10 – 15% các loại keo kết dính
  • 5 – 10% nước
  • 1% là các chất phụ gia: chất làm cứng, chất bảo vệ gỗ không bị mối mọt, trầy xước

Đặc điểm của gỗ MDF

  • Tạo thành từ sợi gỗ ép và dùng keo để kết dính nên cốt gỗ MDF có độ dày đặc cao, chịu lực tốt.
  • Được bổ sung chất bảo vệ gỗ, MDF đảm bảo không bị mối mọt như gỗ tự nhiên. Có thể sử dụng bền đẹp từ 10 – 15 năm tùy điều kiện môi trường và cách bảo quản.
  • Gỗ MDF nhẵn mịn và bằng phẳng, không bị cong vênh theo thời gian nên có thể dùng Melamie/Laminate/Acrylic/Sơn để phủ lên bề mặt gỗ, vừa tạo màu sắc đẹp vừa chống nước và chống trầy xước.
  • Giá thành MDF rẻ hơn nhiều so với gỗ tự nhiên, giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí nội thất.

Các loại gỗ MDF

Gỗ MDF có 3 loại là gỗ MDF thường, MDF chống ẩm và MDF chống cháy. Tùy vào tính năng của từng loại MDF mà nhà sản xuất sử dụng chất keo và màu sắc khác nhau.

Gỗ MDF thường

Gỗ MDF thường được tạo thành từ sợi gỗ ép nhỏ và sử dụng chất kết dính là keo UF (Urea Formaldehyde) để liên kết các sợi gỗ.

Gỗ MDF chống ẩm

Gỗ MDF chống ẩm bổ sung chất chỉ thị màu xanh để phân biệt với gỗ MDF thường, có giá thành cao hơn gỗ MDF thường.

Được sử dụng chất kết dính là keo MUF (Melamine Urea Formaldehyde) và nhựa Phenolic hoặc PMDI (Polymeric Diphenylmethane Diisocyanate) có tác dụng chống ẩm ưu việt, đặc biệt thích hợp chọn làm nội thất tủ bếp.

MDF chống ẩm có những độ dày là: 2.5mm; 5.5mm; 6mm; 7mm; 8mm; 12mm; 15mm; 17mm; 18mm và 22mm. Có 3 loại kích thước phổ biến: 1220x2440mm; 1220x3050mm; 1830x3660mm.

MDF chống cháy

Được thêm phụ gia là thạch cao và xi măng để tạo đặc tính chống cháy. Gỗ MDF chống cháy sẽ có thời gian bắt lửa lâu hơn, đặc biệt khi cháy sẽ không tạo nên ngọn lửa lớn.

Các loại bề mặt phủ MDF thường dùng

Có nhiều chất liệu để phủ lên bề mặt gỗ MDF nhằm gia tăng độ thẩm mỹ, độ bền trong quá trình sử dụng như Melamine, Laminate, Acrylic,…

MDF phủ Melamine

Ván gỗ MDF phủ Melamine được sủ dụng rộng rãi nhất do giá thành rẻ và có độ bền vừa phải và đa dạng mẫu mã. Bề mặt phủ Melamine rất mỏng (ước tính từ 0.4 – 1 rem) nên quá trình sử dụng phải cẩn thận, tránh các va đập mạnh mới nâng cao được độ bền.

MDF phủ Laminate

Gỗ MDF phủ Laminate có độ bền cao hơn do tấm Laminate có độ dày từ 0.5 – 1 mm. Do đó, bề mặt phủ laminate có sức chống chịu va đập tốt hơn.

Bề mặt phủ Laminate có nhiều mẫu mã đa dạng hơn so với Melamine như giả kim loại, giả da và cho độ chi tiết giống thật nhất.

MDF phủ Acrylic

Gỗ MDF phủ Acrylic hay còn gọi là gỗ Bóng Gương sử dụng cho các phong cách hiện đại, sang trọng.

Đặc điểm của vật liệu acrylic là bề mặt trơn bóng, chịu nhiệt tốt, có độ bền cao, ít bám bụi, có độ dẻo nên dễ dàng trong việc uốn để tạo hình sản phẩm,…

Ứng dụng của MDF trong nội thất

Gỗ MDF được ứng dụng nhiều trong ngành sản xuất nội thất nói chung và nội thất văn phòng nói riêng. Ngoài ra nó còn có khả năng thay thế gỗ tự nhiên với những ưu và nhược điểm khác nhau. Tùy vào mục đích sử dụng để người ta dùng gỗ để sản xuất sản phẩm nội thất.

Tham khảo một số ứng dụng MDF trong nội thất nhà anh Tống:

Do gỗ này có khả năng chịu nước kém nhưng đảm bảo không bị đàn hồi hay co ngót đồng thời với giá thành sản phẩm thấp và ván có khổ lớn đồng đều. Vì vậy, tùy nhu cầu sử dụng gỗ này được sử dụng nhiều trong sản xuất bàn, giường ngủ, tủ quần áo, nội thất gia đình, nội thất văn phòng.

Ưu nhược điểm của gỗ MDF

Ưu điểm

  • Không bị cong vênh, không bị co ngót hay mối mọt như gỗ tự nhiên.
  • Bề mặt phẳng nhẵn.
  • Dễ dàng sơn lên bề mặt hoặc dán các chất liệu khác lên trên như veneer, laminate, melamin.
  • Có số lượng nhiều và đồng đều.
  • Giá thành rẻ hơn gỗ tự nhiên nhiều.
  • Thời gian gia công nhanh.

Nhược điểm

  • Khả năng chịu nước kém với loại MDF thông thường. MDF xanh thì chống ẩm tốt hơn.
  • MDF chỉ có độ cứng không có độ dẻo dai.
  • Không làm được đồ trạm trổ như gỗ tự nhiên.
  • Độ dày của gỗ cũng có giới hạn nếu làm những đồ vật có độ dày cao thì phải ghép nhiều tấm gỗ lại.

Vì sao gỗ MDF được ưa chuộng?

Với sự đa dạng trong phong cách thiết kế, tiêu chí bền đẹp, giá thành rẻ, đa dạng tính năng từ MDF thường đến MDF chống ẩm và chống cháy giúp bạn có thể tùy theo nhu cầu mà ưu tiên lựa chọn loại MDF phù hợp. Hi vọng với những thông tin mà CJK Concept cung cấp cho bạn có thể giúp bạn hiểu biết nhiều hơn về loại gỗ đang làm mưa làm gió trên thị trường.